BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra.

Trong giai đoạn sinh sản vô tính, nấm gây bệnh đạo ôn sinh ra bào tử. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử nảy mầm cho ra sợi nấm ngắn và đĩa áp để xâm nhập vào lá lúa. Toàn bộ chất dinh dưỡng được tập trung vào đĩa áp, giúp đĩa áp có đủ năng lượng để xâm nhiễm. Đĩa áp của nấm tiết ra enzym cutinaz làm mòn lớp cutin của mặt ngoài lá lúa, sau đó tạo vòi xâm nhiễm để đâm xuyên qua vách tế bào biểu bì của lá. Khi vào trong, nấm hình thành sợi nấm để xuyên qua các tế bào lân cận và lan rộng ra, sợi nấm tiết các enzym để phân hủy các chất dinh dưỡng của tế bào lá lúa thành các đơn chất để hấp thu vào sợi nấm.

     2. Triệu chứng bệnh đạo ôn

     2.1 Triệu chứng bệnh đạo ôn trên lá

Vết bệnh bắt đầu là một vết nhỏ có màu trắng khi đưa lên ánh sáng, dần thành một chấm màu nâu nhỏ như đầu kim (Hình 1), sau đó phát triển thành vết bệnh điển hình là vết bệnh có hình bầu dục hai đầu kéo dài ra dọc theo gân lá, màu nâu, tâm trắng xám, giống hình con mắt (Hình 2). Phát triển hơn nữa làm phần lá bị cháy khô. Bệnh gây hại nặng sẽ làm chết cả bụi lúa (thường gọi là lúa “sụp mặt”).

Hình 1: Vết bệnh hình chấm kim

 

2.2 Triệu chứng bệnh đạo ôn cổ lá, cổ gié, nhánh gié và cuống hạt: đều tạo vết bệnh có màu nâu.

– Đạo ôn cổ lá: nấm bệnh tấn công cổ lá lúa tạo thành vết màu nâu nơi cổ lá làm lá gãy gục (Hình 3). Đạo ôn cổ lá do bào tử nấm bệnh trên lá theo giọt nước lăn xuống đọng ở cổ lá gây ra.

– Đạo ôn cổ gié (cổ bông): Khi lúa trổ bông bị nấm bệnh tấn công vào cổ gié gây ra vết bệnh màu nâu hoặc nâu xám, nâu xanh (Hình 4). Nếu bệnh xuất hiện sớm sau khi trổ bông, thì bông lúa bị lép trắng cả gié lúa, còn gọi là triệu chứng bông bạc. Nếu nấm bệnh tấn công muộn hơn lúc hạt lúa đã vào hạt thì cả gié lúa sẽ đổ xuống.

– Đạo ôn nhánh gié: nấm bệnh gây hại lên các nhánh nhỏ của gié lúa làm lững hạt (hạt lúa không no tròn). (Hình 5)

– Đạo ôn cuống hạt: nấm bệnh tấn công cuống hạt vào giai đoạn cong trái me về sau, làm lững hạt và hạt bị rụng nhiều khi thu hoạch.

 3. Sự lây lan và xâm nhiễm bệnh

Bệnh chủ yếu lây nhiễm qua không khí (gió). Bào tử nấm bệnh có thể theo luồng không khí đứng được mang lên rất cao, cao đến 7.000m. Gió ngang sẽ mang bào tử nấm bệnh đi sang các ruộng lân cận hoặc đi rất xa tùy theo tốc độ gió.

Bào tử nấm bệnh khi gặp nước sẽ hút nước và nẩy mầm, nếu không gặp lá lúa để xâm nhập, nấm sẽ mất năng lượng và chết. Do đó, bệnh đạo ôn không lây lan qua nước ruộng và không lây qua hạt lúa giống.

Vết bệnh sinh và phát tán bảo tử khi gặp nhiệt độ dưới 28oC và ẩm độ tương đối của không khí trên 93%.

4. Ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh

4.1 Nhiệt độ, ẩm độ và ánh nắng: là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến bệnh đạo ôn.

– Nhiệt độ: vết bệnh đạo ôn phát triển từ 8oC – 37oC.  Ở nhiệt độ 28oC vết bệnh phát triển nhanh nhất và có thể sinh bào tử trong 9 ngày, tuy nhiên nhiệt độ từ 16oC – 24oC vết bệnh sinh bào tử đến 15 ngày.

– Ẩm độ: bào tử rơi trên lá lúa sẽ nảy mầm khi ẩm độ tương đối của không khí từ 93% trở lên. Nếu trên mặt lá lúa có lớp nước mỏng, bào tử sẽ nảy mầm nhanh chóng.

– Ánh nắng: khi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên bào tử sẽ ức chế sự nảy mầm và giết chết bào tử, vì vậy bào tử thường phát tán vào ban đêm hoặc khi trời mưa.

4.2 Phân bón

– Phân Đạm (N): khi bón dư N bệnh đạo ôn sẽ phát triển nhanh và mạnh; lá lúa xanh đậm, to bản và yếu ớt. Chất đạm được rễ cây hút dư thừa sẽ tồn tại dưới dạng đạm tự do trong dịch của lá lúa – rất thích hợp cho sự phát triển của nấm bệnh. Sau khi bón phân, N hòa tan trong nước và tập trung ở chỗ trũng trong ruộng. Do đó, lúa chỗ trũng thường xanh đậm, lá rũ và bị bệnh đạo ôn rất nặng.

– Phân Kali: giúp cây lúa cứng cáp, lá đứng thẳng nên cây ít bị đạo ôn hơn.

– Silic: giúp mặt ngoài lá lúa dày và cứng hơn, cây chống chịu bệnh tốt hơn.

5. Quản lý bệnh đạo ôn

5.1 Phòng bệnh

– Chọn giống: nên sử dụng giống kháng với bệnh, hay giống ít nhiễm bệnh.

– Mật độ sạ: không nên sạ với mật độ cao, vì khi mạ mọc dày, lúa sẽ giáp tán sớm và bệnh xuất hiện sớm vào 15 ngày sau khi sạ. Xạ thưa, lúa giáp tán muộn, bệnh đến muộn hơn (sau 22 ngày sau khi sạ), giúp giảm một lần phun thuốc trừ bệnh. Mật độ sạ khuyến cáo là 120kg/ha.

– Bón phân: không bón đạm quá cao vì lá lúa sẽ xanh đậm , to bản và mềm yếu nên gập xuống, che phủ các lá bên dưới, do đó không trị dứt bệnh được. Lá lúa to bản, nằm ngang sẽ hứng nhiều bào tử của nấm bệnh bay trong không khí và có nhiều vết bệnh trên lá lúa hơn so với lá lúa đứng thẳng.

5.2 Trị bệnh: Cần áp dụng biện pháp bốn đúng trong bảo vệ thực vật

– Đúng thuốc: Nên sử dụng các loại thuốc chuyên trị đạo ôn với các hoạt chất như sau: Tricyclazole, Azoxystrobine, Isoprothiolane, Fthalide,..

– Đúng liều: cần tuân thủ liều lượng chỉ dẫn trên chai hoặc bao bì thuốc.

– Đúng lúc: phải phun thuốc sớm lúc ruộng vừa nhiễm bệnh, phát hiện ra dấu chấm kim có màu trắng khi nhìn ngược ánh sáng hoặc dấu chấm kim màu nâu. Nếu phát hiện bệnh muộn hơn, khi lá lúa có vết bệnh điển hình là lúc vết bệnh đã sinh bào tử và bào tử đã rơi xuống các lá ở tầng dưới.Vì các lá ở tầng trên che khuất nên khi phun thuốc, thuốc không đến được các lá ở tầng dưới và sau một hai ngày, các lá này sẽ bộc phát bệnh.

– Đúng cách: Phun thuốc trải đều khắp tất cả các lá lúa kể cả các lá ở tầng bên dưới của tán lá.

Tài liệu kham thảo: Sách “Các bệnh hại lúa quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long” của PGS. Phạm Văn Kim

Sản phẩm đặc trị đạo ôn của Zn700: Link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0855882452